Ngành Bảo vệ thực vật luôn đóng vai trò quan trọng sản xuất nông nghiệp nói chung và Trồng trọt & Bảo vệ thực vật nói riêng. Bên cạnh sứ mệnh bảo vệ sản xuất cây trồng nông nghiệp, ngành cũng đã mang lại giá trị hiệu quả thiết thực cho người dân là nâng cao được sản lượng và giá trị hàng hóa, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích cây trồng. Đặc biệt, ngành còn đóng góp quan trọng cho việc cải thiện rõ rệt công tác bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Năm 2017, mặc dù Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. sản xuất trồng trọt của Việt Nam đã đạt thành công to lớn và mang lại giá trị cao cho kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đến nhiều nước trên thế giới đạt tổng giá trị trên 36 tỷ đô la Mỹ.
Với những thành công đó, ngày 15/5/2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị “Định hướng công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới”. Điều này đã khẳng định được sự quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả cao.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Cục trưởng Hoàng Trung đã cùng chủ trì Hội nghị.
Thành phần tham dự Hội nghị gồm:
- Các Hiệp hội KHKT, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và ngành nghề.
- Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của cả nước.
Đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu khai mạc và nêu mục đích của Hội nghị. Đồng chí Hoàng Trung đã thay mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo tóm tắt công tác bảo vệ thực vật đã đạt được trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới. Báo cáo nêu rõ, đến cuối năm 2017, toàn quốc có 648 Trạm Trồng trọt và BVTV/trạm BVTV huyện hoặc liên huyện; Trong đó có 69 trạm của 8 tỉnh (Sơn La, Hà Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Đồng Tháp) được chuyển thành Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp hoặc Trung tâm Nông nghiệp do huyện quản lý. Do vậy, cán bộ BVTV huyện là lực lượng nòng cốt, quan trọng của ngành BVTV, họ là người trực tiếp điều tra phát hiện, dự tính dự báo để báo cáo lên cấp trên và hướng dẫn phòng chống sinh vật gây hại trên các cây trồng ở địa phương.
Cũng tại Hội nghĩ đã có 8 tham luận gồm: Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa; Hiệp hội Hữu cơ; Tập Đoàn Quế Lâm; Tập đoàn Lộc Trời; Hội KHKT Bảo vệ thực vật Việt Nam và FAO. Các ý kiến đã nêu lên những thuận lợi và khó khăn, đồng thời cũng đã kiến nghị các giải pháp nhằm hực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật trong thời gian tới. Một số ý chính được Bộ trưởng kết luận tại Hội nghị là:
1. Định hướng công tác BVTV trong tình hình mới là: Chất lượng sản phẩm tốt, Sản phẩm sạch, Giá bán hợp lý và có tính đặc sản của nền Nông nghiệp Việt Nam. Nông sản phải đáp ứng được thị trường 7 tỷ dân trên thế giới và 93 triệu dân trong nước với yêu cầu chất lượng sản phẩm nội tiêu và xuất khẩu là như nhau.
2. An toàn về dư lượng thuốc BVTV và vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Trước mắt cần giảm nhanh lượng thuốc BVTV, giai đoạn đầu là thuốc trừ cỏ, sau đó là nhóm thuốc hóa học trừ sinh vật gây hại. Loại bỏ những loại thuốc có nhóm độc cao. Tuy nhiên, cần có Hội đồng tư vấn cụ thể nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường và công bằng trong kinh doanh.
- Tăng cường công tác kiểm soát và thanh tra để công tác BVTV ngày càng tốt hơn.
- Các nguyên liệu nhập khẩu cần phải nhập loại tốt, công nghệ cũng phải hiện đại nhằm hạn chế tối đa đến ảnh hưởng của thuốc BVTV đến môi trường và sức khỏe con người.
- Tập trung kinh phí phục vụ nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học tốt nhất cho sản xuất để tiến tới sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
- Tổ chức sản xuất thuốc BVTV, phân bón phải phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Các cơ quan, doanh nghiệp phân phối phải có trách nhiệm đến sản phẩm đã tạo ra.
3. Tổ chức sản xuất cây trồng theo chuỗi giá trị kinh tế, chuỗi khép kín và an toàn thực phẩm phải được áp dụng cho mọi sản phẩm của cả nước. Phải xác định rõ các câu hỏi Sản phẩm được tạo ra sẽ bán ở đâu? Bán cho thị trường nào? Sử dụng công nghệ nào? .
4. Sản xuất Nông nghiệp phải theo hướng phòng là chính, tập trung vào bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sức khỏe cây trồng, có qui trình canh tác cụ thể. Qui mô mô hình và giải pháp kỹ thuật mới phải đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp tương lai, nền nông nghiệp đặc hữu của Việt Nam. Công tác truyền thông cần được tuyên truyền nhiều hơn, công nghệ cũng cần được cải tiến để đáp ứng được tình hình mới.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng đã nhận định việc hoàn thành các yêu cầu trên là việc làm khó nhưng phải làm. Bộ trưởng tin tưởng ngành sẽ làm được vì Việt Nam đã có bề dày lịch sử và kinh nghiệm. Bộ trưởng kêu gọi các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội và ngành hàng cùng nhau vào cuộc và hành động có trách nhiệm để phát triển ngành nông nghiệp.
Phòng Khoa học và HTQT - Viện Bảo vệ thực vật
file:/C:/windows/win.ini
24/05/2020